Đặt vòng tránh thai: Tổng quan về đặt vòng tránh thai và những điều cần lưu ý

1. Đặt vòng tránh thai là gì?

Đặt vòng tránh thai là phương pháp đặt dụng cụ tử cung (hay còn gọi là dụng cụ tránh thai, vòng tránh thai) thường có hình dáng chữ T vào trong buồng tử cung của người phụ nữ.

Vòng tránh thai khi được đặt vào trong tử cung sẽ có tác dụng ngăn chặn tinh trùng gặp trứng và cản trở việc di chuyển của trứng thụ tinh về tử cung làm tổ. Do đó ngăn ngừa thụ thai, mang thai, giúp chị em không mang thai ngoài ý muốn.

Đặt vòng tránh thai không ảnh hưởng đến chuyện quan hệ tình dục hay làm giảm khoái cảm, ham muốn ở nữ giới. Khi có kế hoạch sinh con, chị em chỉ cần tháo vòng là có thể mang thai trở lại bình thường.

Có 2 loại vòng tránh thai phổ biến thường được sử dụng:

– Vòng tránh thai chứa đồng: có hàm lượng đồng giúp tránh thai, ví dụ như vòng tránh thai ParaGard.

– Vòng tránh thai nội tiết: giải phóng lượng hormone progestine giúp ngăn ngừa thai, ví dụ vòng tránh thai Liletta, Mirena và Skyla…

Hình ảnh mô phỏng đặt vòng tránh thai trong buồng tử cung

2. Tác dụng của đặt vòng tránh thai

– Đặt vòng tránh thai có tác dụng ngừa thai hiệu quả, lâu dài  từ 5 đến 10 năm, giá thành rẻ, chị em chỉ cần thao tác 1 lần duy nhất mà không cần phải dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào khác nữa, do đó đây là biện pháp khá tiết kiệm, kinh tế.

– Đặt vòng tránh thai vào tử cung nhanh gọn và đơn giản, thủ thuật chỉ mất từ 5 – 10 phút.

– Vòng tránh thai sẽ phát huy tác dụng tránh thai ngay lập tức sau khi đặt đúng vào vị trí trong tử cung của người phụ nữ.

– Sau khi đặt vòng tránh thai, chị em sẽ không cảm thấy vướng víu, khó chịu hay ảnh hưởng đến chuyện quan hệ tình dục bởi vòng được đặt sâu tận cùng tử cung.

– Vòng tránh thai khá lành tình, không gây vô sinh, khi muốn sinh con, nữ giới chỉ cần đến bệnh viện tháo vòng ra là có thể mang thai trở lại mà không gặp khó khăn gì.

– Vòng tránh thai an toàn cho những bà mẹ đang cho con bú vì không có hóa chất gì.

3. Quy trình đặt vòng tránh thai

Chị em không thể tự ý đặt vòng tránh thai mà phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và làm thủ thuật. Thông thường quá trình đặt vòng tránh thai sẽ mất khoảng 1 – 2 giờ bao gồm cả việc khám phụ khoa cho người bệnh. Thủ thuật thì diễn ra khá nhanh.

– Trước khi đặt vòng tránh thai, bác sĩ sẽ khám phụ khoa để xác định người bệnh có những viêm nhiễm vùng kín hay có đang mắc những bệnh nằm trong đối tượng không dùng được vòng tránh thai hay không.

– Nếu chị em bị viêm nhiễm phụ khoa, viêm vùng chậu, rong kinh, có thai hoặc nghi ngờ mang thai, mắc lậu, nấm hay các bệnh khác… thì sẽ không đặt vòng tránh thai được. Với viêm nhiễm, chị em cần phải điều trị triệt để trước, sau đó mới dùng biện pháp đặt vòng.

– Với những người bình thường thì bác sĩ sẽ tiến hành đặt vòng tránh thai luôn. Thời gian diễn ra đặt vòng tránh thai khá nhanh, thông thường chỉ mất từ 5 đến 10 phút.

Các thao tác của bác sĩ trong quá trình đặt vòng tránh thai

– Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên môn đo tử cung, xác định chiều sâu của tử cung rồi dùng dụng cụ chuyên biệt giống pitton đưa vòng tránh thai vào buồng cổ tử cung của chị em.

– Vòng tránh thai nào cũng có 2 sợi dây cước ở đuôi để định vị. Phần dây cước này sẽ nằm trong âm đạo. Bác sĩ sẽ cắt bớt sợi dây tránh vướng víu và bất tiện cho chị em.

– Sau khi đặt vòng xong, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để kiểm tra lại vị trí vòng tránh thai trong tử cung.

– Cuối cùng, chị em sẽ được kê đơn thuốc và hẹn tái khám.

4. Thời điểm đặt vòng tránh thai

Chị em cần nhớ các thời điểm thuận lợi đặt vòng tránh thai là:

– Ngay sau khi sạch kinh 2-3 ngày, chắc chắn không có thai.

– Chị em sau sinh thường ít nhất 6 tuần có thể đi khám đặt vòng tránh thai.

Ngay sau khi sạch kinh chị em có thể đi đặt vòng tránh thai

– Với chị em sinh mổ, phẫu thuật lấy thai thì sau 6 tháng – 1 năm tùy cơ địa có thể đi đặt vòng tránh thai.

– Sau sảy thai, thủ thuật hút, nạo phá thai: Chị em có thể đặt vòng tránh thai luôn hoặc có thể đợi chu kỳ kinh ổn định trở lại thì đi đặt vòng sau sạch kinh.

5. Đối tượng không được đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là biện pháp khá kén người dùng, không phải ai cũng có thể sử dụng phương pháp này. Dưới đây là một số trường hợp không dùng được vòng tránh thai:

– Những người bị viêm vùng chậu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

– Người bị mắc bệnh lậu, nấm, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

– Bệnh lý ác tính đường sinh dục.

– Chị em từng bị mang thai ngoài tử cung

– Những người đang có thai hoặc nghi ngờ dấu hiệu mang thai.

– Cấu tạo tử cung bất thường, dị dạng bẩm sinh.

– Chị em bị rong kinh, xuất huyết bất thường ở âm đạo chưa rõ nguyên nhân.

– Những chị em chưa từng sinh con bao giờ bởi biện pháp này khuyến cáo chỉ phù hợp với người đã từng sinh con rồi.

– Những người mẫn cảm với thành phần đồng trong vòng tránh thai, mắc bệnh phản ứng với vật thể lạ đưa vào cơ thể như van tim, sa sinh dục…

6. Tác dụng phụ sau khi đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là phương pháp đưa vật thể lạ vào cơ thể, do đó đương nhiên sẽ có những tác dụng phụ tùy mức độ nặng nhẹ ở mỗi  người.

Dưới đây là những tác dụng phụ mà chị em gặp phải sau khi đặt vòng tránh thai.

– Thời gian đầu đặt vòng tránh thai, chị em có thể cảm thấy đau vùng bụng dưới, đau hông, đau lưng, chướng bụng, căng tức ngực, buồn nôn, cảm thấy vướng víu, khó chịu… Đây là những phản ứng của cơ thể nhằm đẩy vật thể lạ ra bên ngoài.

– Vòng tránh thai có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt khiến chu kỳ của chị em bị rối loạn, thời gian dài hơn, ra máu nhiều hơn, nữ giới đau bụng hơn trong chu kỳ… đặc biệt là với vòng tránh thai chứa đồng.

– Một số người có triệu chứng ra khí hư bất thường và nhiều, có thể do phản ứng viêm vùng kín.

– Ngoài ra, có một số tác dụng phụ có thể gặp như đau đầu, nổi mụn trứng cá, tính khí thất thường, tăng cân, sút cân… do vòng tránh thai tác động đến nội tiết.

– Một số biến chứng không mong muốn khác có thể kể đến là: vòng tránh thai bị lệch, bị rơi tuột mà chị em không để ý khiến mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ viêm nhiễm vùng kín, nguy cơ thai ngoài tử cung, thủng tử cung, vòng tránh thai chui vào ổ bụng gây nguy hiểm đến tính mạng…

– Nếu tay nghề của bác sĩ không tốt có thể khiến chuyện “yêu” gặp rắc rối, cả hai cảm thấy vướng víu, đau khi quan hệ do sợi dây cước dài, sắc.

Sau đặt vòng tránh thai, chị em có thể bị đau bụng, đau lưng, đau hông

7. Chế độ được hưởng khi đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là biện pháp được Nhà nước khuyến khích, vận động do đó chị em cũng được tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng. Rất nhiều người còn chưa rõ những quyền lợi được hưởng khi làm thủ thuật kế hoạch hóa gia đình này. Dưới đây là thông tin chi tiết chị em cần biết.

Hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội

– Lao động nữ đang tham gia đóng bảo hiểm XH chưa đủ 6 tháng vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định khi đặt vòng tránh thai hoặc các biện pháp triệt sản khác bình thường.

– Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì chị em được hưởng chế độ thai sản và không kể đã từng thực hiện trước đó hay chưa. Do đó, bạn không nên lo lắng đặt vòng tránh thai lần 2 không được hưởng chế độ nào.

– Đối với lao động nữ đi đặt vòng tránh thai được nghỉ 7 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ hàng tuần).

– Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Hưởng chế độ Bảo hiểm y tế

– Nếu chị em phụ nữ đến đặt vòng ở các cơ sở y tế khám chữa bệnh có chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình tài trợ thì sẽ được đặt vòng, cấp thuốc và khám vòng miễn phí tại toàn bộ hệ thống cơ sở y tế công (giờ hành chính). Bạn nên hỏi kỹ chương trình này ở nơi mình đi khám để nắm rõ hơn.

– Chi phí đặt vòng tránh thai có nằm trong danh mục được BHYT chi trả theo quy định. Chị em hoàn toàn yên tâm đặt vòng tránh thai khi có tham gia BHYT.

8. Đặt vòng tránh thai ở đâu?

Chị em phụ nữ có thể đặt vòng tránh thai ở những cơ sở y tế sau:

Các bệnh viện Phụ sản

– Tại Hà Nội: Bệnh viện phụ sản Trung Ương, Bệnh viện phụ sản Hà Nội.

– Tại HCM: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh, bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản MêKông, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Bệnh Viện Quốc Tế Hạnh Phúc…

– Tại Đà Nẵng: Bệnh viện Phụ Nữ TP. Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Khoa phụ sản của các bệnh viện lớn

Ngoài các bệnh viện Phụ sản, khoa Sản của các bệnh viện lớn, bệnh viện tư, quốc tế… đều là nơi đặt vòng tránh thai an toàn và tốt cho chị em.

Ví dụ Khoa phụ sản bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, Khoa phụ sản Bệnh viện Y Hà Nội, khoa phụ sản Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Pháp, khoa Sản bệnh viện E Hà Nội…

Các trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản

– Hầu như mỗi tỉnh thành đều có một Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm y tế dự phòng.

– Ngoài trung tâm tuyến Tỉnh, chị em có thể đến khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản của Quận – Huyện hoặc có thể đến nhà hộ sinh, một số trạm y tế xã phường cũng có thực hiện kỹ thuật này.

Các cơ sở khám dịch vụ, phòng khám tư

Phù hợp với những chị em không thể đi đặt vòng tránh thai vào giờ hành chính, bạn có thể đến các phòng khám của các bác sĩ làm việc tại các bệnh viện phụ sản lớn, phòng khám tư, khám dịch vụ…

Trước khi lựa chọn đặt vòng tránh thai ở một cơ sở nào đó, chị em cần có sự tham khảo, tư vấn từ nhiều nguồn, đánh giá độ tin cậy, uy tín… để làm thủ thuật yên tâm hơn.

Chị em nên đến cơ cơ sở y tế lớn đặt vòng tránh thai và làm đúng lời bác sĩ

9. Lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai

– Sau khi đặt vòng tránh thai, nữ giới cần phải nghỉ ngơi ít nhất 1 tiếng đồng hồ, không làm việc nặng, mamg vác nặng để vòng tránh thai được ở đúng vị trí, không bị xô lệch.

– Chị em cần uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.

– Sau đặt vòng nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 7 – 10 ngày.

– Trong sinh hoạt, chị em cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là trong chu kỳ hoặc trước và sau khi quan hệ, không ngâm mình trong nước lâu, nhất là nước bẩn để tránh nguy cơ viêm nhiễm.

– Trong thời gian từ 3 – 6 tháng bạn nên đi kiểm tra lại để xác định vị trí của vòng tránh thai trong tử cung cũng như phòng ngừa các bệnh phụ khoa.

– Khi có những dấu hiệu  bất thường như sốt cao, ra máu nhiều, đau khi quan hệ tình dục, nghi có thai, dây vòng rơi ra… thì chị em cần đến ngay bác sĩ khám chữa.

Trên đây là những thông tin cần biết về phương pháp kế hoạch hóa gia đình Đặt vòng tránh thai. Chị em cần nắm rõ để có thể lựa chọn đúng biện pháp tránh thai cho mình, lựa chọn đúng thời điểm làm thủ thuật cũng như không bỏ qua những quyền lợi chính đáng về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế mà mình được hưởng.

Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường  nào, chị em cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra, nếu cần thiết phải tháo vòng và sử dụng các biện pháp tránh thai khác.

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo