Bệnh cổ tử cung: Những căn bệnh cổ tử cung thường gặp và cách điều trị

Theo cấu tạo, cổ tử cung là vị trí tiếp giáp giữa âm đạo và tử cung có chức năng ngăn chặn các tác nhân gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa từ âm đạo xâm nhập vào sâu bên trong. Mặt khác, cổ tử cung khỏe mạnh sẽ tạo điều kiện cho tinh trùng dễ dàng di chuyển thông qua tử cung, vào vòi trứng để gặp trứng và thực hiện quá trình thụ tinh.

Vị trí cổ tử cung

Vị trí cổ tử cung.

Như vậy, có thể thấy cổ tử cung đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản của chị em, giúp chị em thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mình.

Vì vậy, nếu bộ phận này bị nhiễm bệnh lý về cổ tử cung thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ, thậm chí mang tới nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.

Chị em hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong những nội dung dưới đây để chủ động phòng tránh và phát hiện các căn bệnh cổ tử cung.

1. Những bệnh cổ tử cung thường gặp và triệu chứng

Viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là gì?

Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại cổ tử cung. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng. Căn bệnh này cũng có khả năng do tình trạng viêm nhiễm âm đạo không được ngăn chặn kịp thời dẫn tới lây dây chuyền.

Triệu chứng viêm cổ tử cung

  • Vùng kín xuất hiện nhiều khí hư, màu sắc khí hư bất thường và có mùi hôi tanh, khó chịu
  • Âm đạo chảy máu khi không phải trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau đớn tại khu vực vùng chậu
  • Đau khi và sau khi quan hệ tình dục, đôi khí chảy máu khi quan hệ
  • Tiểu buốt, tiểu rát

Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Ngày càng có nhiều chị em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, đặc biệt là những chị em đang trong độ tuổi sinh sản. Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP.HCM, lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng phần biểu mô bên trong cổ tử cung bị lộn ra phía ngoài. Phần này bị viêm nhiễm sẽ gây ra bệnh lý viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung

  • Khí hư ra nhiều, có màu xanh, vàng hoặc trắng kèm mùi hôi
  • Ngứa âm đạo
  • Đau rát khi quan hệ tình dục
  • Xuất huyết âm đạo bất thường
  • Đau bụng, đau vùng chậu, vùng thắt lưng
  • Rối loạn kinh nguyệt

Một số bệnh cổ tử cung thường gặp

Một số bệnh cổ tử cung thường gặp.

Nang naboth cổ tử cung

Nang naboth cổ tử cung là gì?

Tình trạng viêm cổ tử cung mãn tính không được phát hiện và chữa trị hiệu quả sẽ là nguyên nhân sản sinh ra các nang naboth cổ tử cung. Theo đó, các u nhỏ có kích thước bằng hạt gạo, có màu vàng hoặc trắng sẽ xuất hiện tại cổ tử cung.

Thông thường, nang naboth là tổn thương lành tính nhưng nếu chúng không ngừng phát triển về kích thước sẽ chèn ép cổ tử cung, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thụ thai của chị em.

Triệu chứng nang naboth cổ tử cung

  • Khí hư ra nhiều
  • Cảm giác đau rát khi quan hệ
  • Căng tức vùng bụng dưới

Polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung là gì?

Tại cổ tử cung hình thành những cục u nhỏ li ti, thành tử cung xuất hiện khối u sa vào trong buồng tử cung, hiện tượng này được gọi là polyp cổ tử cung.

Kích thước thông thường của các khối polyp là khoảng vài mm cho đến vài cm. Chúng có cuống bám vào thành tử cung.

Triệu chứng polyp cổ tử cung

  • Đau bụng dưới
  • Xuất huyết âm đạo
  • Tiểu buốt
  • Táo bón
  • Đau rát khi giao hợp
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi

Ung thư cổ tử cung

Tình trạng ung thư cổ tử cung

Đây là bệnh lý nguy hiểm nhất trong các bệnh cổ tử cung. Khi mắc phải căn bệnh này, cổ tử cung của chị em sẽ xuất hiện các tế bào ung thư do tế bào niêm mạc tử cung phát triển quá nhanh, không kiểm soát được và tạo thành một khối u lớn.

Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư cổ tử cung

Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư cổ tử cung.

Căn bệnh này càng sớm được phát hiện thì khả năng chữa khỏi càng cao. Còn khi tình trạng bệnh đã trở nên trầm trọng, khi các tế bào ung thư đã di căn thì tính mạng bệnh nhân bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung

  • Khí hư bất thường
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau vùng chậu
  • Cơ thể trở nên mệt mỏi
  • Đi tiểu thường xuyên

2. Nguyên nhân gây bệnh cổ tử cung

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý ở cổ tử cung, nhưng đa phần là do sự lây nhiễm từ âm đạo không được chữa trị hiệu quả.

– Vi khuẩn lậu, Chlamydia, virus Herpes sinh dục, trùng roi Trichomonas hay nấm Candida xâm nhập, tăng sinh và gây bệnh tại cổ tử cung. Tình trạng viêm nhiễm do các tác nhân kể trên gây ra có thể từ âm đạo lan truyền lên cổ tử cung, thậm chí là xâm nhập vào cả tử cung, vòi trứng hoặc buồng trứng.

– Rối loạn nội tiết tố khiến khí hư tiết ra nhiều, rối loạn kinh nguyệt dẫn tới viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, xuất hiện nang naboth cổ tử cung

– Quan hệ tình dục không an toàn

– Phá thai nhiều lần hoặc phá thai không an toàn

– Sinh đẻ nhiều lần khiến cổ tử cung phải chịu ảnh hưởng nhiều

– Vệ sinh vùng kín không đúng cách, thụt rửa quá sâu

– Ung thư cổ tử cung do virus HPV, yếu tố di truyền, quan hệ tình dục quá sớm và sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi)

3. Điều trị bệnh cổ tử cung

Do triệu chứng của các bệnh cổ tử cung đều có những điểm tương đồng nên chị em khó có thể phân biệt và dễ nhầm lẫn với nhau. Vì vậy, ngay khi thấy các triệu chứng bất thường tại vùng kín và vùng bụng dưới, chị em nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và xác định chính xác tình trạng của mình.

Dựa theo các kết quả xét nghiệm và kiểm tra, bác sĩ chuyên khoa sẽ chọn lựa và chỉ định phương pháp điều trị hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng như các bệnh lý phụ khoa khác, bệnh cổ tử cung có hai phương pháp điều trị chính là: Nội khoa và ngoại khoa.

Nội khoa: Bệnh nhân sẽ sử dụng một số loại thuốc kháng sinh theo đường uống, tiêm hoặc đặt trực tiếp vào âm đạo nhằm tiêu diệt các mầm mống gây bệnh.

Ngoại khoa: Áp lạnh, đốt điện, đốt laser, đốt nhiệt, dao Leep sử dụng sóng cao tần. Với bệnh polyp tử cung, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nội soi để tách polyp ra.

Điều trị nội khoa được áp dụng khi các bệnh cổ tử cung chỉ mới chớm giai đoạn đầu. Khi bệnh đã phát hiện nghiêm trọng và đe dọa gây nên những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trường hợp ung thư cổ tử cung đã di căn, chị em có thể sẽ phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung để loại bỏ hoàn toàn các khối viêm nhiễm hoặc tế bào ung thư.

Dù tình trạng bệnh như thế nào, chị em cũng cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự tìm hiểu và mua thuốc về điều trị tại nhà.

4. Phòng tránh bệnh cổ tử cung

Để phòng tránh các bệnh cổ tử cung hiệu quả, chị em nên tăng cường tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, các bệnh phụ khoa và hình thành các thói quen lành mạnh trong đời sống. Cụ thể:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách
  • Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo
  • Không lạm dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ
  • Tăng cường ăn các loại rau xanh, củ quả giàu chất xơ và vitamin C
  • Hạn chế thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, rượu, bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích
  • Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng của cơ thể
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi
  • Không quan hệ tình dục quá sớm
  • Tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV
  • Khám phụ khoa định kỳ từ 3-6 tháng/lần nhằm chủ động phát hiện các căn bệnh, từ đó có cách điều trị phù hợp

Trên đây là một số thông tin tổng quan về các bệnh cổ tử cung mà chị em phụ nữ thường mắc phải. Chị em hãy tìm hiểu để có thể chủ động phòng tránh, phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả, tránh để bệnh gây nên những biến chứng nguy hiểm, từ đó có một sức khỏe sinh sản khỏe mạnh, tâm lý thoải mái

Kiều Hương (tổng hợp)

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo