Viêm âm đạo có triệu chứng gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Phương Mai – Phó Giám đốc Y khoa bệnh viện Quốc tế Phụ sản Sài Gòn, viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm của dịch tiết âm đạo được biểu hiện bằng huyết trắng nhiều, có màu vàng, xanh, đi kèm các dấu hiệu như ngứa, rát, đỏ âm đạo và âm hộ, tiểu đau, quan hệ đau.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm âm đạo là do nhiễm nấm, vi khuẩn và trùng roi. Môi trường âm đạo bình thường có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh do có tính axít và các loại vi khuẩn có lợi trú ngụ trong đó.
Hình ảnh viêm âm đạo.
Vì một số lý do, khi môi trường âm đạo bị thay đổi hoặc các loại vi khuẩn có lợi trong âm đạo đột nhiên suy giảm, các tác nhân gây bệnh sẽ lợi dụng cơ hội này phát triển và xâm nhập vào âm đạo. Theo đó, chị em có thể bị viêm âm đạo, viêm âm hộ do các vi sinh vật như nấm men candida, ký sinh trùng…; tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai…; do dùng kháng sinh lâu dài.
Ngoài ra, thói quen vệ sinh hàng ngày của chị em phụ nữ cũng trở thành nguyên nhân khiến viêm âm đạo khi thụt rửa âm đạo quá sâu, gián tiếp phá hủy môi trường bình thường trong âm đạo.
Triệu chứng viêm âm đạo
Là một bệnh phụ khoa phổ biến ở chị em phụ nữ, viêm âm đạo có những triệu chứng như sau:
- Có mùi hôi ở bộ phận sinh dục, mùi càng nặng hơn sau khi quan hệ tình dục
- Nóng rát, xót khi đi tiểu
- Dịch âm đạo thay đổi màu sắc, trở nên xám, đen
- Khí hư ra nhiều, niêm mạc âm đạo đỏ, có thể xuất hiện các vết xước, vết loét
- Đau khung xương chậu
- Cảm giác ngứa ở bộ phận sinh dục
- Đau khi khám phụ khoa hoặc quan hệ tình dục
Qua việc quan sát các hình ảnh của bệnh viêm âm đạo, chị em sẽ dễ dàng nhận biết và xác định bệnh phụ khoa này.
Nếu chị em chủ quan, bỏ qua các biểu hiện viêm âm đạo, bệnh có thể diễn biến trầm trọng và mang lại những biến chứng khôn lường, đặc biệt là với trường hợp viêm âm đạo khi mang thai.
Phân biệt viêm âm đạo theo nguyên nhân gây bệnh
Những dấu hiệu viêm âm đạo còn được phân loại theo từng nguyên nhân gây bệnh. Thông thường âm đạo bị viêm nhiễm do một số loại vi khuẩn, nấm xâm nhập. Nếu những triệu chứng của viêm âm đạo không được phát hiện và chữa trị kịp thời, hiệu quả, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng đồng thời khiến tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan sang những bộ phận lân cận.
Viêm âm đạo do nấm Candida
Khi nhiễm loại nấm này, chị em sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như khí hư có màu trắng đục giống như sữa, không hôi, tiểu khó, ngứa, đau khi giao hợp. Đây là một bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến các bệnh viêm nhiễm khác và có thể làm thai nhi bị dị tật ngay từ trong bụng mẹ.
Viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas
Khi nhiễm phải loại kí sinh trùng này, dấu hiệu viêm âm đạo thường gặp phải là khí hư ra nhiều, có bọt, loãng, màu vàng xanh và hôi, đôi khi người bệnh còn đi tiểu khó, ngứa, đau khi giao hợp. Người bệnh thậm chí có thể bị vô sinh do trùng roi Trichomonas có thể tiêu diệt tinh trùng và dễ dẫn đến hàng loạt các bệnh khác như viêm niệu đạo, viêm bể thận, viêm bàng quang nếu như không được chữa trị kịp thời.
Viêm âm đạo do vi khuẩn Vaginosis
Trong trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn Vaginosis, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng viêm âm đạo như khí hư có màu xám, có bọt, tăng chất tiết âm đạo, bộ phận sinh dục ngứa và có mùi hôi khó chịu, niêm mạc âm đạo có những điểm xuất huyết nhỏ, lấm tấm, dễ làm nhiễm trùng bộ phận sinh dục, viêm thận, viêm vùng chậu…
Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu
Vi khuẩn lậu sẽ khiến vùng kín ra nhiều khí hư đặc trắng và xanh đục.
Viêm âm đạo khi mang thai
Trong thời gian mang thai, dịch âm đạo tăng tiết nên vùng kín luôn trong tình trạng ẩm ướt, mất đi độ cân bằng trong môi trường âm đạo, độ pH thay đổi là nguyên nhân gây viêm âm đạo, viêm âm hộ.
Cũng trong thời gian thai kỳ, sự tăng tiết hợp chất glycogen trong âm đạo sẽ khiến nấm candida (một loại nấm vốn luôn có sẵn trong âm đạo và thường không gây khó chịu khi môi trường ở mức cân bằng) sinh sôi nhiều hơn và theo đó bệnh nấm âm đạo cũng phát triển.
Trong trường hợp này, dấu hiệu của viêm âm đạo là: Khí hư ra nhiều, có màu trắng hoặc ngả vàng, mùi hôi tanh; âm đạo sưng đỏ, có triệu chứng sưng, ngứa, rát; nếu tình trạng trầm trọng hơn thì viêm nhiễm từ âm đạo sẽ lây lan sang các bộ phận khác như đường tiết niệu khiến thai phụ cảm thấy đau buốt, rát khi tiểu tiện và tần suất đi tiểu nhiều hơn.
Viêm âm đạo thuộc 9 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ nhưng phụ nữ mang thai mắc bệnh này thì có phần nguy hiểm hơn do có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu không được điều trị dứt điểm.
Khi bị viêm âm đạo, người mẹ sẽ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, tạo tâm lý không thoải mái trong thai kỳ. Nghiêm trọng hơn, nếu không được điều trị kịp thời, viêm nhiễm có thể lây ngược lên tử cung và gây ra những biến chứng khôn lường như sảy thai, sinh non, hiện tượng viêm màng ối, nhiễm khuẩn và vỡ ối.
Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo nếu không được điều trị tốt sẽ rất dễ gây bệnh cho trẻ sơ sinh. Với trẻ sinh thường, khi qua âm đạo vị viêm nhiễm các vi khuẩn, nấm gây bệnh có thể sẽ xâm nhập vào lớp niêm mạc miệng và gây ra tình trạng bệnh viêm niêm mạc miệng (đẹn) hoặc viêm da do nấm, rất nguy hiểm.
Một số trường hợp mẹ bị viêm âm đạo khiến bé bị suy dinh dưỡng ngay từ trong tử cung hoặc sinh non, dẫn đến sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm trong đó có bệnh viêm phổi do nấm.
Điều trị viêm âm đạo khi mang thai
Làm thế nào để chữa viêm âm đạo khi đang mang thai là câu hỏi thường gặp của các bà mẹ tương lai vì điều này không chỉ gây khó chịu cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến em bé.
Cách tốt nhất để điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường về dịch âm đạo, mẹ bầu nên đi khám và điều trị ngay. Đặc biệt, mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc điều trị vì có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi bị viêm âm đạo trong quá trình mang thai, chị em có thể được các bác sỹ chỉ định dùng kháng sinh, những loại thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng tới thai nhi, người bệnh cần phải thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà.
Ngoài ra, chị em có thể áp dụng một số phương pháp tự nhiên như: Ăn sữa chua hàng ngày, sử dụng tinh dầu trà và bổ sung vi sinh dưới sự chỉ dẫn của các bác sỹ. Những biện pháp này cũng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa sự phát triển của những tác nhân gây ra viêm nhiễm âm đạo.
Cùng với đó phụ nữ mang thai khi bị viêm âm đạo cũng có thể sử dụng một số loại thuốc viên đặt âm đạo, các loại thuốc này đã được Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu, nhận định không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trước khi sử dụng mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, bởi một số trường hợp thuốc đặt có thể gây xuất huyết vì chạm vào các mạch máu nhỏ ở âm đạo và cổ tử cung.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi, việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai phải được thực hiện đúng cách và kịp thời. Ngay khi thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị cho chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Cách phòng tránh viêm âm đạo
Bên cạnh việc trang bị kiến thức về dấu hiệu và nguyên nhân bị viêm âm đạo, chị em phụ nữ cũng nên tạo một thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thế.
Hạn chế ăn đường và các thực phẩm chứa đường
Tránh để vùng kín trong tình trạng ẩm ướt, nóng bí
Mặc đồ lót 100% cotton, thoáng mát, dễ chịu, chất liệu co giãn
Tránh mặc đồ quá bó sát
Tránh dùng xà phòng hay chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín vì làm như thế có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, vi sinh vật có hại phát triển.
Khi đi vệ sinh, nên vệ sinh từ trước ra sau, tránh vi khuẩn lây lan từ hậu môn lên
Sau khi đi vệ sinh cần lau khô vùng kín, không để tình trạng ẩm ướt kéo dài
Ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng, uống nhiều nước để giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu, bị các bệnh phụ khoa.
Hạn chế sử dụng băng vệ sinh hàng ngày vì băng vệ sinh hàng ngày khiến vùng kín bị bí hơi, bí bách.
Đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt, giữ vệ sinh tuyệt đối, thay rửa thường xuyên
Là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến, viêm âm đạo khiến chị em phụ nữ không khỏi lo lắng, đặc biệt là những chị em đang trong thai kỳ. Hiểu biết và nhận ra các dấu hiệu viêm âm đạo là rất quan trọng, giúp sớm xác định và có hướng điều trị kịp thời, tránh để bệnh phát triển nghiêm trọng và mang lại những biến chứng khôn lường. Ngoài ra, chị em cũng cần lưu ý các dấu hiệu của những bệnh phụ khoa khác như bệnh u nang buồng trứng, u xơ tử cung… để chủ động trong việc thăm khám và điều trị.
>> Tham khảo : Tìm hiểu thêm các phương pháp điều trị viêm âm đạo
Phương Vy (tổng hợp)
ArrayArray
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!